Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang được lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa thống nhất đề xuất với T.Ư bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang vào quy hoạch phát triển mạng lưới Đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự án dài 105 km với bốn làn xe này sẽ nối từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến TP. Nha Trang (Khánh Hòa), dự kiến được đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang
Ông Nguyễn Văn Trường (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Trường Sơn thuộc Bộ Quốc phòng và cũng là Đơn vị tư vấn cao tốc) cho biết, đơn vị đã trình ba phương án thực hiện cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang cho tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Trong đó, phương án 1 được lựa chọn để nghiên cứu, làm đề xuất cho Bộ Giao thông và Vận tải vì là phương án khả thi nhất.
Theo phương án 1, tuyến cao tốc dài 105 km hoặc 113 km, trong đó đoạn qua Khánh Hòa 15 km. Quy mô cao tốc 4-6 làn xe, rộng 24-32 m; vận tốc thiết kế 80-120 km/h, thời gian lưu thông hơn một giờ.
Điểm đầu cao tốc giao với tuyến tránh phía Đông của TP Buôn Ma Thuột, sau đó đi qua các huyện Krông Păk, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Bông, M’Đăk (Đắk Lắk). Còn điểm cuối giao với Đường cao tốc Bắc – Nam, phía Đông của Khánh Hòa.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.500 tỷ đồng và sẽ được hai địa phương tính toán hình thức đầu tư phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Dần (Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Khánh Hòa) cho biết, đã yêu cầu đơn vị tư vấn bổ sung thêm phương án cụ thể đoạn cao tốc qua tỉnh. Từ đó, địa phương có cơ sở so sánh ưu điểm, nhược điểm từng phương án để lựa chọn phù hợp nhất.
Hơn nữa, đơn vị tư vấn cần lưu ý phương án tuyến phải kết nối với quốc lộ 26, quốc lộ 26B, dự án đường cao tốc Bắc – Nam, khu kinh tế phía Nam Vân Phong.
Hai tỉnh chọn phương án, sau đó trình Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện
Vừa qua, đơn vị tư vấn cho Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang lần này là Công ty cổ phần tư vấn Trường Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) đã trình bày các phương án xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang. Theo đó:
- Phương án 1A: có tổng chiều dài xây dựng 105 km với tổng mức đầu tư 27.000 tỉ đồng
- Phương án 1C: có tổng chiều dài 113 km với tổng mức đầu tư 28.800 tỉ đồng.
- Phương án 2: có tổng chiều dài 110 km với tổng mức đầu tư 29.400 tỉ đồng.
- Phương án 3: có tổng chiều dài 150 km với tổng mức đầu tư 38.200 tỉ đồng.
* Tỉnh Đắk Lắk chọn phương án 1A
Ông Đỗ Quang Trà – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, đề xuất chọn thực hiện phương án 1A vì tổng chiều dài toàn tuyến ngắn nhất, tổng mức đầu tư thấp nhất.
Bên cạnh đó, bình đồ tuyến ít quanh co nhất, có điểm cuối nằm ở giữa cảng Nam Vân Phong và TP. Nha Trang nên vừa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa vừa phát triển du lịch giữa 2 tỉnh.
Phương án này, có điểm đầu tại Km12+450 (tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột) thuộc địa phận huyện Krông PắK (tỉnh Đắk Lắk).
Điểm cuối có 2 trường hợp được đưa ra gồm: Trường hợp 1, cao tốc Bắc Nam phía Đông đầu tư xây dựng trước cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang thì điểm cuối tại Km105 đường cao tốc Bắc Nam phía Đông thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; trường hợp 2 cao tốc Bắc Nam phía Đông đầu tư xây dựng sau cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang, điểm cuối tại Km103+800 tại điểm giao với tỉnh lộ 8 kết nối Nha Trang với cảng Vân Phong.
* Tỉnh Khánh Hòa chọn phương án 1C
Tuy nhiên, các đại biểu của tỉnh Khánh Hòa đề xuất thực hiện phương án 1C. Phương án này có điểm đầu tại Km12+450 (tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột) thuộc địa phận huyện Krông PắK (tỉnh Đắk Lắk).
Điểm cuối tại Km 113, thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cách cảng Nam Vân Phong 25 km, thuận lợi cho mục tiêu vận chuyển hàng hóa ra cảng.
Cuối cùng, hai tỉnh thống nhất chọn phương án 1A và 1C trình Bộ GTVT để lựa chọn và triển khai thực hiện.
Ý nghĩa tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang
Về ý nghĩa, cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang sẽ giúp phát triển kinh tế và du lịch của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa; thu hút đầu tư, kết nối trung tâm vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đồng thời, phục vụ nhu cầu vận tải nhanh, an toàn, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giữa “rừng” với “biển”.
Bên cạnh đó, việc xây dựng được tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang hết sức cần thiết, sẽ giải quyết vấn đề giao thông vận tải, phục vụ du lịch, giao thương hàng hóa… góp phần cụ thể hóa Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Đây cũng là cơ sở để trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện Đắk Lắk nối với Khánh Hòa bằng Quốc lộ 26 dài 190km, dù đã được nâng cấp nhưng tuyến đường vẫn tương đối nhỏ hẹp, đèo dốc quanh co, lưu lượng xe lớn nên từ Buôn Ma Thuột tới Nha Trang xe ô tô thường mất khoảng 4 giờ (riêng với xe tải, xe container thì phải mất gấp rưỡi thời gian này).
Đắk Lắk là tỉnh nghèo, ngân sách nhà nước còn hạn chế. Hệ thống đường bộ chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô còn thấp, hiện đang bị xuống cấp trầm trọng, chưa có tuyến đường cao tốc kết nối với Trung tâm kinh tế, du lịch lớn.
Nếu có tuyến đường thuận tiện nối Nha Trang – Buôn Ma Thuột thì tiềm năng kinh tế – xã hội của Đắk Lắk chắc chắn sẽ được thức giấc. Hàng hóa từ Đắk Lắk sẽ lưu thông về cảng biển dễ dàng, chưa kể đây sẽ là động lực để du lịch Đắk Lắk kết nối với Nha Trang.
Xem thêm những sản phẩm bất động sản khác