13:33 24/05/2021

Là một tỉnh trung tâm Tây Nguyên, Đắk Lắk có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh, tạo cho tỉnh một vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực sự có tiềm năng phát triển du lịch.

Đắk Lắk là tỉnh nằm giữa cao nguyên Nam Trung Bộ, phía đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, phía tây giáp nước bạn Cam Pu Chia, phía nam giáp tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, phía bắc giáp tỉnh Gia Lai. Nằm trong vùng đất đai rộng lớn với địa hình và khí hậu đa dạng đã tạo ra những vùng sinh thái nông nghiệp thích hợpvới nhiều loại cây trồng, đặc biệt có quỹ đất bazan phù hợp với cà phê, cao su, rừng có trữ lượng gỗ lớn nhất cả nước.

 

Là một tỉnh trung tâm Tây Nguyên, Đắk Lắk có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh, tạo cho tỉnh một vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực sự có tiềm năng phát triển du lịch.

 

Cảnh quan của Đắk Lắk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên những thác nước đẹp nổi tiếng, quanh năm mịt mờ sương khói như thác Thủy Tiên, Bảy Nhánh,… nhiều hồ lớn với diện tích hàng trăm héc ta như hồ Lắk, Ea Đờn,…phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động du lịch, đặc biệt là hồ Ea Súp thượng với diện tích 1440 ha.

 

Đắk Lắk còn nổi tiếng với nhiều khu vườn nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên đã được quy hoạch như Vườn Quốc gia YokDon, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô,…với nhiều loài động thực vật quí hiếm, đặc biệt là voi.

 

Đắk Lắk có nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng được du khách quan tâm, tìm hiểu như tháp Chăm Yang Prong, Biệt điện Bảo Đại, đình Lạc Giao, chùa sắc tứ Khải Đoan, nhà đày Buôn Ma Thuột, hang đá Ba Tầng, hang đá Đăk Tuôr,…

 

Thu hút và gây ấn tượng mạnh mẽ cho khách du lịch đến Đắk Lắk không chỉ là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi Đắk Lắk có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã,…những sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát điêu khắc, những lễ hội và phong tục độc đáo, âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng, những lời ca, điệu múa của cộng đồng 44 dân tộc anh em, thể hiện tâm hồn cao nguyên đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu cuộc sống.

 

Thế mạnh du lịch của tỉnh được xác định là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, ngành du lịchĐắk Lắk trong những năm qua đã có những bước phát triển khá, có quy hoạch tổng thể về du lịch đến năm 2010. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư khu du lịch trọng điểm của tỉnh lần lượt được hình thành. Chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh được phân định rõ, cơ sở hạ tầng về giao thông đã được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, đặc biệt chính sách khuyến khích đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh được ban hành đã thu hút các Nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển.

 

Để khai thác tốt tiềm năng du lịch, tương xứng với vị trí chiến lược trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đang được Chính phủ xem xét đưa vào một trong những tỉnh trọng điểm ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch.

 

Cảnh đẹp ở buôn Ako Dhong (ẢNH ST)

Các sản phẩm du lịch

 

* Du lịch sinh thái dã ngoại:

Du lịch tham quan làng văn hóa, sinh thái quanh các hồ bằng thuyền độc mộc hoặc các phương tiện khác, du lịch vượt sông Sêrêpôk bằng hệ thống cầu treo bắt qua rặng si, tham quan thắng cảnh, các thác nước đẹp nhất Tây Nguyên.

 

Địa điểm du lịch tâm linh ở Đăk Lăk (ẢNH ST)

Du lịch mạo hiểm trên hồ, du lịch leo núi.

 

Không gian núi rừng xanh ngắt ở vườn Chư Yang Sin (ẢNH ST)

Du lịch tham quan nghiên cứu rừng và động vật rừng quý hiếm phục vụ bảo tồn tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và động vật bán hoang dã phục vụ săn bắn du lịch.

Du lịch cà phê: tham quan vườn cà phê, tìm hiểu quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến…và uống cà phê Buôn Ma Thuột ngay tại vườn cà phê, bên những góc cà phê trĩu quả…

Du lịch sinh thái cuối tuần tại các khu du lịch.

* Du lịch văn hóa:

Các công trình văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng đã và đang có kế hoạch sửa chữa, tôn tạo, tu bổ như: Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột, nhà đày Buôn Ma Thuột, các bảo tàng lịch sử, Bảo tàng cách mạng sẽ thu hút sự quan tâm của khách du lịch.

Tham quan tìm hiểu tập quán đời sống văn hóa cộng đồng, khám phá nghề truyền thống, săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, du lịch trên lưng voi, đám cưới sử dụng voi, thăm bảo tàng voi và trung tâm biểu diễn voi tại Buôn Đôn.

Du lịch lễ hội, tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hóa các dân tộc, các làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian trong các dịp lễ hội như: lễ hội đua voi tháng 11 hàng năm tại Buôn Đôn...

Văn hóa ẩm thực: Thưởng thức rượu cần, cơm lam gà nướng, cà đắng và các món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc như: Núc nác xào, dọt mây hầm chân giò, canh lá bép...

 

* Du lịch vui chơi giải trí:

Khu tổ hợp vui chơi giải trí tại khu du lịch Buôn Đôn, Lăk, Ea Kao, Công viên nước DakLak…

Du lịch vui chơi giải trí câu cá thư giãn trên hồ Ea Kao, Ea Chư Cáp, xem văn nghệ, biểu diễn xiếc thú.

Không gian di sản văn hóa Đăk Lăk

Dự báo về nguồn khách

Nhu cầu đi du lịch sinh thái, văn hóa đang là xu hướng phát triển nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới, số lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng từ 7 - 9%/năm. Riêng 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khách gần 10% cao hơn mức bình quân chung của khu vực; trong số đó, tỷ lệ số khách du lịch lên đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc nơi thiên nhiên hoang dã đã ngày càng tăng.

Tại thị trường Việt Nam, dòng khách du lịch nội địa đang có xu hướng chuyển dịch từ các vùng đồng bằng ven biển về các vùng núi cao nguyên, Vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ dân cư địa phương có nhu cầu và có đủ điều kiện thực hiện các chuyến du lịch đang tăng nhanh, nhu cầu du lịch cuối tuần, du lịch vào dịp hè, dịp lễ đến các điểm du lịch gần tăng vọt trong một vài năm gần đây và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Dựa vào các yếu tố tác động đã nêu trên, dự báo số lượt khách nội địa đến Đắk Lắk chiếm 85 - 90% gồm khách tại địa phương, khách du lịch đến Đắk Lắk với mục đích kết hợp hoạt động thương mại, văn hóa, thăm các khu bảo tồn, vườn quốc gia, khách nghiên cứu, tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa, học sinh, sinh viên ở các trường trong tỉnh cũng như các vùng lân cận. Khách du lịch quốc tế chiếm tỷ lệ 10 - 15% chủ yếu là khách trẻ, khách đi tự do và khách nghiên cứu, thị trường khách quốc tế chủ yếu là Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước thuộc khu vực ASEAN.

Các bài viết có liên quan đến  Đắk Lắk

- Đất nề dự án khu đô thị Ân Phú, Đắk Lắk

- Tiềm năng đầu tư của Đắk Lắk

- Tiềm năng của Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

- Những địa điểm du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk

- Những địa điểm du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk