Sáng 8/1, trong chương trình công tác tại Phú Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại khu vực Bãi Gốc (xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa) thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên và dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên.
Thủ Tướng và đoàn công tác khảo sát một số dự án trọng điểm tại Phú Yên
Phú Yên là điểm kết nối giữa 3 vùng kinh tế quan trọng: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm duyên hải Nam Trung Bộ và Vùng Tây Nguyên. Tỉnh có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, Quốc lộ 25 nối Gia Lai và Quốc lộ 29 nối Đắk Lắk, có cảng biển nước sâu Vũng Rô, Bãi Gốc. Sân bay Tuy Hòa nằm trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, hiện đã đạt cấp 4C, có thể đầu tư nâng cấp thành sân bay quốc tế, phục vụ cho cả Khu kinh tế Vân Phong – Khánh Hòa.
Khảo sát khu vực quy hoạch cảng nước sâu Bãi Gốc
KKT Nam Phú Yên thuộc nhóm 8 khu kinh tế (KKT) ven biển trọng điểm. Theo các quy hoạch, đây được xác định tính chất là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực có trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, với diện tích 20.730ha. Trong thời gian qua, KKT Nam Phú Yên được Trung ương, tỉnh quan tâm và tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và hiện đã có sẵn quỹ đất để đầu tư các khu công nghiệp khoảng 2.215,5 ha, quỹ đất dự trữ để phát triển khoảng 1.000 ha.
Thủ tướng xem bản đồ quy hoạch Khu kinh tế phía nam của Phú Yên tại địa điểm bến Bãi Gốc
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021), khu bến Bãi Gốc có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hợp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Với cỡ tàu là tàu tổng hợp trọng tải đến 50.000 tấn và các tàu chuyên dùng phát triển phù hợp theo nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, hiện cảng có mực nước sâu khoảng từ 20 m -25 m, sâu hàng đầu Việt Nam với diện tích 220 ha, cũng là cảng gần hải phận quốc tế, tuyến đường hàng hải quốc tế nhất. Đến nay, đã thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng 134 ha; phần diện tích còn lại 86 ha là diện tích mặt nước.
Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh phân bổ bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc phát triển khu vực này cần cân nhắc theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, xanh, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng tới khai thác du lịch.
Khảo sát dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam
Tiếp đó, Thủ tướng và đoàn khảo sát thực tế một số vị trí tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên, gặp gỡ các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án, thăm hỏi, động viên, trao đổi với người dân địa phương.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90 km, gồm 2 dự án thành phần đi qua địa giới hành chính 24 xã, phường, thị trấn thuộc 6 địa phương cấp huyện. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án hơn 885 ha.
Dự án có 5.113 hộ dân bị ảnh hưởng, số hộ dự kiến bố trí tái định cư là 407 hộ; số khu tái định cư dự kiến 12 khu với tổng diện tích hơn 20 ha, cùng với đó, có 2.999 ngôi mộ cần di dời.
Thủ Tướng xem bình đồ hướng tuyến dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh
Các cơ quan đang tiến hành thực hiện đầu tư các khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án. Tuy nhiên, trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là vướng mắc trong việc xác định đơn giá bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nên tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm so với chỉ đạo của Trung ương.
Đến hết ngày 30/12/2022, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tương ứng theo chiều dài tuyến 54 km, đạt 60,12%. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, đối với đất nông nghiệp, đất lúa phải bàn giao tối thiểu 70% diện tích trước ngày 31/1/2023; đối với các loại đất khác phải bàn giao trước ngày 31/3/2023.
Khảo sát thực tế dự án đang triển khai, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ như khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế; hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; gia cố nền đất; chuẩn bị sớm nguồn vật liệu; nhà thầu tư vấn phải luôn bám sát công trường; các bên cùng giải quyết vấn đề phát sinh.
Về vấn đề các mỏ đất, đá, nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để “bắt chẹt”, nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, “qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi”. Qua đó, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới. Việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, không đội vốn phi lý, chống tiêu cực, tham nhũng, thi công “3 ca 4 kíp” với nhiều mũi giáp công, nói là làm, tạo khí thế để người dân và địa phương phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ, cùng vào cuộc triển khai dự án.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý việc thi công phải bảo đảm an toàn lao động cho công nhân trên công trường, an toàn cho người dân, tránh những sự cố, tai nạn rất đáng tiếc, đau lòng như vụ việc bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp vừa qua.
Thủ tướng lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư. Qua đó, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới
Sớm đáp ứng mong mỏi của người dân về tuyến cao tốc Bắc – Nam
Gặp gỡ Thủ tướng, đại diện người dân đều bày tỏ vui mừng, cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, đồng thời khẳng định rất đồng tình, ủng hộ dự án, bày tỏ phấn khởi, tin tưởng dự án đi qua sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời bà con đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tới các hộ dân phải di dời, tiếp tục quyết liệt triển khai các công việc để dự án sớm hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của người dân về tuyến cao tốc dọc chiều dài đất nước từ Cao Bằng tới Cà Mau.
Ân cần thăm hỏi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương, Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, tới năm 2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020 (khoảng 1.000 km); trong đó, tới năm 2025, phải hoàn thành 2.000 km cao tốc. Điều này đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.
Trong ngày đầu tiên của năm 2023, cả nước đã đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía đông với tổng chiều dài 729 km, cùng với nhiều tuyến đường cao tốc trên khắp cả nước đã, đang và chuẩn bị được xây dựng. Đến nay, 12 dự án cao tốc vừa khởi công đã hoàn thành được khoảng 70% công tác giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng cho biết ông vừa tới dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Khu di tích Vũng Rô – một địa điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình đều rất cần đường nên trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đều xác định phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, là một trong 3 đột phá chiến lược.
Thủ tướng nhấn mạnh kết quả thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 391.000 tỷ đồng, nhờ đó, đất nước có thêm ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó có các tuyến đường cao tốc
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các dự án cao tốc, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu, rất chia sẻ với bà con khi bị ảnh hưởng sinh kế, phải nhường lại nơi ăn ở hàng trăm năm, hàng nghìn năm, nơi chôn rau cắt rốn của mình cho các dự án.
Thủ tướng cảm ơn và bày tỏ vui mừng khi bà con sẵn sàng nhường mặt bằng vì lợi ích của đất nước, của địa phương và của chính người dân nơi có dự án đi qua; mong muốn bà con phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tiếp tục ủng hộ dự án, các cấp, các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cao tốc.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hết sức quan tâm, chăm lo công tác tái định cư, tinh thần là nơi ở mới của bà con ít nhất phải bằng nơi ở cũ và phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. “Tránh cách làm việc hời hợt, không xuống thực tế, không gặp người dân; phải xem công việc của nhân dân như việc của mình, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả, nhân dân ghi nhận được, đánh giá được, cảm nhận được chứ không phải hiệu quả trên giấy”, Thủ tướng yêu cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đời sống người dân trong dịp Tết, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng khó khăn, yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, để nhân dân có một cái Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiềm
1. Đất Nền Sổ Đỏ Ngay Trung Tâm Hành Chính Mới Đông Hòa Phú Yên.