06:36 09/06/2021

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, mọi kênh đầu tư đều đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn xa

Đầu tư vào đâu và như thế nào để có hiệu quả cao nhất luôn là câu hỏi thường trực của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt trong những thời điểm có nhiều biến động lớn trên thị trường. Để trả lời được câu hỏi này không hề đơn giản, đặc biệt là trong lúc kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mọi kênh đầu tư đều đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, cũng ở thời điểm này tồn tại những quan điểm trái chiều nhau, người cho đây là thách thức nhưng cũng có kẻ cho đây là cơ hội lớn.

Năm 2020 có thể nói là một năm tồi tệ đối với toàn nhân loại nói chung và với thị trường tài chính nói riêng. Bảng giá điện tử của tất cả các thị trường tài chính chìm trong sắc đỏ, nhà đầu tư đồng loạt thoát tiền từ những loại tài sản tài chính rủi ro như cổ phiếu và tìm đến những tài sản trú ẩn an toàn cho đồng tiền như vàng. 

Bức tranh kinh tế trong tương lai vẫn chưa có gì rõ ràng khi chưa thể tìm ra vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh COVID-19. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát hiện hữu mọi nơi, khiến việc lựa chọn đầu tư càng trở nên khó khăn. 

Thị trường Vàng

Vàng được coi là công cụ đầu tư cổ điển và phổ biến từ lâu nay. Vàng có đặc tính là đầu tư đơn giản, thanh khoản cao, phù hợp với nhiều đối tượng.

Từ đầu năm đến nay, vàng là công cụ tài chính có giá tăng mạnh nhất. Với chiến lược đầu tư đơn giản là mua và nắm giữ, vàng đã tăng 25% trong khi các công cụ khác đều sinh lợi âm.

Có thể thấy trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19 vào tháng 3, các loại tài sản đều đồng loạt giảm điểm và chỉ có vàng có mức giảm thấp nhất. Tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đã đồng loạt rút tiền khỏi thị trường chứng khoán và chuyển vào tài sản an toàn là vàng khiến cho giá vàng tăng mạnh trong 8 tháng vừa qua.

Trong cả năm 2020, thị trường vàng được dự đoán sẽ biến động theo chiều đi lên, dù hiện tại giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2011. Trước triển vọng nền kinh tế trong tương lai vẫn chưa rõ ràng thì nhu cầu với vàng và các kim loại quý khác vẫn sẽ còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2020.

Thị trường Chứng khoán

Chứng khoán có thể coi là kênh đầu tư gây thiệt hại và thất vọng lớn nhất với giới đầu tư khi chịu tác động tiêu cực, trực tiếp từ dịch bệnh. Với tâm lý hoang mang và những chỉ số kinh tế tiêu cực.

Thị trường chứng khoán cả thế giới và trong nước ghi nhận một không khí ảm đạm nhất từ trước tới nay, khi nhiều thị trường liên tục “lao dốc”. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, đây cũng là thời điểm “vàng” để nhà đầu tư có thể sở hữu được những danh mục cổ phiếu với giá rẻ, chờ đợi thời điểm phục hồi của thị trường để hưởng lợi khi giá cổ phiếu quay đầu tăng trưởng trở lại. Hay vẫn có một số nhà đầu tư đặt cược vào các cổ phiếu đang được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng và tin tưởng thị trường sẽ hồi phục và nền kinh tế sẽ phục hồi. 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ kiên nhẫn để có thể chờ đợi được sự phục hồi của thị trường trong trung hạn, cũng như có đủ kinh nghiệm để lựa chọn được những danh mục cổ phiếu có tiềm năng trong tương lai. Thị trường chứng khoán vốn là một kênh đầu tư mạo hiểm không chỉ đối với những nhà đầu tư không chuyên mà ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đặc biệt, với những thị trường như thị trường Việt Nam, những vấn đề như minh bạch thông tin, tiếp cận thông tin doanh nghiệp còn nhiều hạn chế thì kênh đầu tư chứng khoán càng trở nên rủi ro hơn và cần có nhiều hiểu biết về thị trường.

Thị trường Ngoại hối

Ngoại hối từng là một kênh đầu tư rất được ưa chuộng cách đây khoảng 5-10 năm. Tuy nhiên, kênh đầu tư này sớm mất đi sức hấp dẫn khi biến động tỷ giá ngày càng ít đi và giá VND ngày càng ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng cao.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính cho rằng, đối với kênh ngoại hối, tính từ đầu năm đến nay tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng rất rõ nét trên cả thị trường tự do lẫn trong ngân hàng. Tuy nhiên, xu hướng tỷ giá USD/VND trong thời gian tới vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Dự báo, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì áp lực tăng tỷ giá là hiện hữu. Tuy nhiên hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn bám sát thị trường và có những điều chỉnh phù hợp với biến động thị trường. Cùng với lượng dự trữ ngoại hối xấp xỉ 80 tỷ USD, NHNN có khả năng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, giữ ổn định của tỷ giá nên việc mua bán USD để kỳ vọng kiếm lời cao không phải là dễ.

Kênh gửi tiết kiệm ngân hàng

Có tiền tích luỹ, tiền nhàn rỗi thì gửi ngân hàng là thói quen của người Việt Nam lâu nay. Trong tư duy của nhiều người, ngân hàng giống như một chiếc két lớn, bất khả xâm phạm trong mọi điều kiện. Vì vậy, dù lãi suất có kéo thấp xuống tới 6-7%/năm thì người dân vẫn chọn đây như một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và không rủi ro.

Thực tế, thị trường tài chính chính thống của Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên. Khi những kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, ngoại hối đều kém hấp dẫn thì thường người dân sẽ nghĩ tới gửi tiết kiệm ngân hàng, vừa chủ động tài chính, lại vừa an toàn.

Đi cùng với yếu tố an toàn, tất nhiên sẽ là tỷ lệ sinh lời so với các kênh đầu tư khác. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của nhà quản lý, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai các biện pháp để tạo điều kiện cho việc giảm lãy suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế nên lãi suất huy động giảm mạnh từ khoảng 1,5-,25% so với thời điểm trước đại dịch.

Thị trường Bất động sản

Đầu tư bất động sản từng là "miếng bánh ngon", là nền tảng cho hầu hết các đại gia lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, kênh đầu tư này cũng đang chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh, khiến thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư phải chạy đua, bán cắt lỗ khi dùng quá nhiều đòn bảy tài chính.

Tuy nhiên, giống như chứng khoán, cũng có quan điểm cho rằng, đây là cơ hội để "gom đất", thu mua những dự án bán cắt lỗ và dự báo rằng thì trường sẽ sớm hồi phục . Hay có quan điểm rằng thị trường bất động sản có nhiều phân khúc, phân khúc nhà ở thu nhập thấp vẫn phân khúc an toàn và có thể lựa chọn đầu tư ở thời điểm hiện tại, bởi nhu cầu thực về nhà ở có giá vừa phải vẫn còn rất lớn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ kinh nghiệm rằng, một nguyên tắc trong đầu tư bất động sản là “nóng sốt bán ra, trầm lắng gom vào”. Bởi vậy đối với những nhà đầu tư có nguồn tài chính lớn có thể cân nhắc đầu tư, lựa chọn một thời điểm “vàng” để mua vào nhân lúc dịch bệnh còn xấu.

Thời điểm hiện tại thật khó để có thể khẳng định tài sản nào sẽ tạo ra mức sinh lời cao nhất t. Và câu trả lời hợp lý nhất lúc này có lẽ là phân bổ tài sản, phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa các khoản đầu tư của bản thân. 

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý, trong đầu tư thông thường có 3 mục tiêu chính là tính an toàn, khả năng sinh lời và có tính thanh khoản cao. Đặc biệt, không nên đầu tư theo kiểu “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, khi thấy rủi ro tăng lên ở kênh nào, cần chuyển hướng đầu tư sang kênh khác có tính an toàn cao hơn.

Các bài viết có liên quan:

- Thông tin bất động sản

- Dự án khu đô thị Ân Phú Đắk Lắk

- Phong thủy bất động sản